Từ chia sẻ của Xavi, cùng bàn luận về triết lí pressing
Trong buổi họp báo trước trận đấu với Galatasaray đêm qua, một phóng viên đã hỏi Xavi rằng “Anh chọn một siêu sao hầu như không bao giờ pressing hay một cầu thủ khá nhưng siêng chạy và chăm pressing?”
Huấn luyện viên của Barca trả lời: ““Trong đội tôi không thể tồn tại một người không biết pressing. Gây được áp lực lên đối phương là một yêu cầu căn bản trong triết lý bóng đá của tôi. Đấy là một điều kiện bắt buộc.”
Câu hỏi dường như xoáy vào việc cầu thủ siêu sao kia là Lionel Messi, một cầu thủ nổi tiếng với việc thường xuyên đi bộ trên sân. Và Xavi liệu sẽ chọn Messi hay sẽ chọn một cầu thủ ở tầm trung bình hơn để xây dựng đội bóng của riêng mình.
PRESSING là một phần cốt lõi trong triết lí chơi bóng của Barca hơn 30 năm qua, nó đươc vị thánh của Camp Nou, Johan Cruyff đặt nền móng.
Từng thế hệ đỉnh cao của Barca đều áp dụng pressing vào lối chơi của mình, thay đổi cách thức theo thời gian để phù hợp với các đối thủ. Nhưng pressing sẽ không bao giờ được tách rời khỏi việc dồn ép mọi thứ lên phần sân đối thủ, triết lí rất đơn giản: Một đội muốn có bóng và cầm bóng trên ngay phần sân đối phương thì khi không có bóng phải gây được áp lực để thu hồi bóng ở đấy.
Thế hệ hoàng kim dưới triều đại của Pep Guardiola đã đẩy việc gây áp lực pressing lên một tầm cao mới, dẫn đầu xu hướng này, truyền cảm hứng cho các HLV người Đức. Ở Barca có một nguyên tắc sống còn là “quy tắc 6 giây”. Khi Barca mất quyền kiểm soát, ngay lập tức các cầu thủ xung quanh sẽ tổ chức pressing số đông trong vòng 6 giây một cách quyết liệt để thu hồi bóng và tiếp tục tấn công khi có bóng, nếu thất bại họ sẽ lùi lại để phòng ngự tập thể.
Việc tổ chức pressing theo cách của Barca đòi hỏi các cầu thủ phải di chuyển và có những cự li phù hợp, khả năng đọc vị trí là quan trọng nhất. Bất kỳ cầu thủ nào ở Barça cũng không được phép không có khả năng pressing.
Thời gian trôi đi và người ở Barca cũng dần quên đi những triết lí căn cơ của họ, rất nhiều cầu thủ không biết đến hàng loạt những điều quan trọng từng tồn tại ở đội bóng này, như thể nó chỉ còn là những “điển tích” bị bám bụi. Tất nhiên “quy tắc 6 giây” nói riêng hay pressing nói chung cũng bị các cầu thủ cùng HLV của mình lãng quên dần, họ thường ra sân và gây áp lực một cách không dứt khoát, điều này trở thành một trong những nguyên nhân lớn trong thời kỳ suy thoái của Blaugrana.
XAVI – HUYỀN THOẠI MANG BẢN SẮC TRỞ LẠI
Luôn luôn là vậy, làm sao có thể triển khai lối đá tổng lực, định hướng vị trí mà không dựa trên nên tảng là pressing được, nó là khái niệm “sống – chết”. Một lần nữa trong lịch sử của Barca, dưới thời Xavi, các cựu binh và các tài năng trẻ lại có thể chức pressing một cách khoa học và hiệu quả vô cùng. Điều này sẽ còn phát triển hơn nữa, khi mà bóng đá ngày nay thúc đẩy cường độ của mọi thứ lên cao hơn.
Một điều nhỏ ở đây, pressing không có nghĩa là phải luôn chạy như một cỗ máy không biết mệt mỏi, nó đòi hỏi khả năng đọc vị trí và sự phối hợp tổ chức giữa các cầu thủ với nhau, bẫy pressing, cự li đội hình,… nó là cả một hệ thống tất cả các tuyến.
Bạn không thể pressing mà không tổ chức nó bài bản với 11 người trên sân. Busquets – “lõi hệ thống” của Barca không phải là một người chạy theo bóng một cách nhiệt huyết, nhưng sẽ là người di chuyển như kiểu “đi bộ” liên tục để quan sát và hỗ trợ một cách chăm chỉ, tập trung, không mệt mỏi, đọc vị trí của đối thủ và đồng đội để có mặt đúng lúc, đúng chỗ tham gia pressing hiệu quả. Đội trưởng Busi là cầu thủ tham gia pressing tốt nhất hiện tại ở Barca.
Đề xuất của biên tập viên:
- NHỮNG MẢNH GHÉP NƠI HÀNG TIỀN VỆ BARÇA ĐANG TỪNG NGÀY KẾT NỐI VỚI NHAU THÀNH MỘT KHỐI VỮNG CHẮC, HIỆU QUẢ VÀ KỲ DIỆU HƠN
- Gerard Pique chia sẻ về cột mốc 600 trận đấu cho FC Barcelona: “Tôi rất may mắn khi là một phần của một thế hệ những cầu thủ đẳng cấp”
- CHÍNH THỨC: FC Barcelona đạt thỏa thuận tài trợ với Spotify